Lượt xem: 1360

Sóc Trăng chú trọng phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Sóc Trăng là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp với đa dạng các mô hình cây trồng, vật nuôi mang lại thu nhập ổn định cho người dân khu vực nông thôn. Dù vậy, đi kèm với những lợi ích về kinh tế, tiến trình phát triển nông nghiệp tại tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường khi các phế phụ phẩm, chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt chưa được xử lý tốt. Từ thực trạng này, trong những năm gần đây, bên cạnh tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng còn hướng bà con nông dân tổ chức sản xuất có trách nhiệm với môi trường thông qua việc tái sử dụng nguồn phụ phẩm, chất thải như một nguồn nguyên liệu cho một chu kỳ sản xuất khác tiếp theo, hay còn gọi là “Nông nghiệp tuần hoàn”.

 


Tận dụng rơm sau thu hoạch lúa để thực hiện mô hình trồng nấm rơm.

 

    Với diện tích canh tác lúa hàng năm trên 320.000 ha, trung bình mỗi năm, sản lượng rơm tại tỉnh Sóc Trăng đạt trên 02 triệu tấn. Rơm rạ sau mỗi mùa thu hoạch được đốt ngay tại ruộng đã trở thành nguồn thải lớn gây ô nhiễm không khí. Nếu được tận dụng hợp lý, lượng rơm sau mỗi đợt thu hoạch lúa sẽ là nguồn nguyên vật liệu đa dụng cho một số mô hình sản xuất khác. Như tại huyện Thạnh Trị, với diện tích canh tác lúa khá lớn, nghề trồng nấm rơm đã và đang phát triển mạnh tại huyện Thạnh Trị nhờ việc tận dụng lượng rơm có được sau mỗi đợt thu hoạch lúa. Từ mô hình trồng nấm theo phương thức truyền thống, nhằm hạn chế tác động từ thời tiết, những năm gần đây, nông dân Thạnh Trị còn có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng để phát triển mô hình trồng nấm trong nhà kín. Nhờ năng suất không bị ảnh hưởng nên trung bình 100m2 có thể thu được gần 600kg nấm. Giá nấm ít biến động hơn so với các loại rau màu khác, thường duy trì ở mức từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu về lợi nhuận gần 20 triệu đồng. So với cách trồng truyền thống, ưu điểm nổi bật nhất của mô hình trồng nấm trong nhà kính là người trồng có thể chủ động điều chỉnh được nhiệt độ và độ ẩm theo từng thời gian. Nhờ môi trường khô ráo mà chất lượng nấm tốt hơn, thân nấm to, tròn, trắng, sạch và có thể bảo quản được lâu. Anh Nguyễn Văn Diễn, hộ trồng nấm rơm ở ấp Bàu Cát, xã Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị cho biết: “Lúc trước, mỗi khi thu hoạch xong vụ lúa thì rơm rạ đem đốt. Giờ mình tận dụng lại để trồng nấm nên môi trường sống được đảm bảo hơn. Vừa trồng lúa, vừa tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch lúa để làm thêm mô hình khác nên kinh tế gia đình được cải  thiện hơn trước rất nhiều”.            

    Ngoài lĩnh vực trồng trọt, nguồn phế, phụ phẩm trong chăn nuôi tại Sóc Trăng cũng khá lớn, đặc biệt là nghề chăn nuôi bò. Với tổng đàn bò gần 50.000 con, hằng năm lượng phân bò thải ra môi trường là khoảng 450.000 tấn phân tươi, 45.000 tấn phân khô, chưa kể đến lượng nước thải ra môi trường. Phát triển chăn nuôi bò có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng và mang đến lợi ích kinh tế bền vững cho nông hộ. Từ thực tế này, song song với việc chú trọng phát triển đàn bò, tỉnh đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ nhằm giúp người dân xử lý và tận dụng lượng phân được thải ra để làm nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải tạo đất… thông qua các mô hình từ dự án hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp và dự án phát triển chăn nuôi bò của tỉnh như: xây dựng hầm ủ biogas, ủ phân compost…   

    Với tổng đàn bò hiện có là gần 20 con, lượng chất thải từ quá trình chăn nuôi là vấn đề khiến anh Võ Văn Huy ở ấp Phụng Tường 2, xã Song Phụng, huyện Long Phú vô cùng lo ngại khi ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống xung quanh nhà cũng như các hộ gia đình lân cận. Được sự hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí từ cơ quan chuyên môn, anh Huy xây dựng hầm ủ biogas để xử lý lượng phân bón, chất thải từ quá trình chăn nuôi. Theo đó, phân bò và nước thải theo ống dẫn được chuyển trực tiếp vào bể lắng, sau đó tiếp tục được đưa vào hầm ủ để chuyển thành khí gas. Hầm ủ biogas không chỉ giúp gia đình đảm bảo môi trường sống trong lành hơn  mà còn tiết kiệm đáng kể chi phí sử dụng khí đốt trong sinh hoạt gia đình hằng ngày. Anh Huy thông tin thêm: “Lúc trước phân bò được hốt rồi mang đi bán, sau này được hướng dẫn nên mình xây dựng hầm ủ. Làm như vậy thấy môi trường tại chuồng nuôi và xung quanh nhà được sạch sẽ hơn, lượng khí gas có được cũng giúp gia đình giảm chi phí từ 1 triệu - 1 triệu 500 nghìn đồng mỗi tháng cho việc sử dụng khí đốt để nấu nướng”.

    Phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ môi trường đã và đang được nhiều quốc gia áp dụng một cách hiệu quả. Tại Việt Nam, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu chất thải và tác động môi trường, nâng cao năng suất và rút ngắn chuỗi cung ứng... cũng là định hướng phát triển mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng đến. Điều này cũng góp phần giúp Nông nghiệp Việt Nam thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 đã được Chính phủ ban hành, phấn đấu  đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng sẽ chú trọng phát huy và nhân rộng hơn nữa các mô hình nông nghiệp theo chuỗi tuần hoàn, các mô hình tái sử dụng có hiệu quả chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt. Mang đến “một giá trị mới” để những phụ phẩm, phế phẩm sẽ trở thành nguồn nguyên liệu phục vụ ngược lại cho hoạt động sản xuất khác trong nông nghiệp. Từ đó, giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 62
  • Hôm nay: 7169
  • Trong tuần: 77,876
  • Tất cả: 11,801,196